Báo cáo nêu rõ, trong lịch sử, hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình đều lệ thuộc vào công nghiệp chế tạo, đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm cho lao động phổ thông, góp phần nâng cao năng suất lao động và dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, một số nước đã phát triển nhanh chóng và trở thành những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, thành công trong công nghiệp chế tạo và chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian dần đây chỉ tập trung tại một số nước. Trong năm 2015, tới 55% hàng công nghiệp được sản xuất tại các nước thu nhập cao, tiếp đến là Trung Quốc với tỷ trọng 25% và được mệnh danh là công xưởng lớn nhất của thế giới, phần còn lại tập trung tại những nước đang phát triển khác.
Cụ thể là, xu hướng chấp nhận tự động hóa sản xuất công nghiệp, người máy hiện đại, công xưởng thông minh, kết nối vạn vật, và kỹ thuật in 3D đang thay đổi quá trình sản xuất công nghiệp. Một khi lao động trực tiếp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí sản xuất, phần lớn sản phẩm có thể sẽ được tạo ra tại các nước phát triển và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, chỉ một số doanh nghiệp chuyển đến những địa điểm có chi phí thấp. Đáng chú ý, các doanh nghiệp địa phương sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn.
Xu hướng này làm dấy lên những lo ngại cho rằng, các nước thu nhập thấp không còn là điểm đến của ngành công nghiệp chế tạo, và nếu khả thi thì cũng không tạo ra lợi thế lâu dài về tăng năng suất và tạo việc làm cho lao động phổ thông. Trong bối cảnh đó, xu hướng gia tăng bất bình đẳng giữa các nước và tại mỗi nước đang trở thành nguy cơ và rủi ro tiềm tàng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, công nghệ mới và những thay đổi về mô hình tăng trưởng toàn cầu không phải là dấu chấm hết đối với ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu, mặc dù mức đóng góp thấp hơn, và không còn tạo ra mức tăng trưởng cao và nhanh chóng cho nhiều nước như trước đây, nổi bật là tại Đông Á. Điều này đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ những tác động bắt nguồn từ những thay đổi về công nghệ và mô hình kinh tế - thương mại toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, trong thế giới cạnh tranh quyết liệt, vẫn còn không ít cơ hội cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Bao gồm các ngành nghề sản xuất truyền thống như dệt vải, may mặc, da giày, đây là những ngành tiếp tục cần nhiều lao động và rất khó chuyển sang mô hình sản xuất tự động hóa hoàn toàn. Hiện nay, Etiopia đang nổi lên thành trung tâm sản xuất nhiều loại hàng dệt may, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và sản xuất nhiều mẫu hàng dệt may có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Một số ngành công nghiệp vẫn tiếp tục là điểm đến của các nước thu nhập thấp, bao gồm chế biến thực phẩm, sản xuất giấy và đồ gỗ, luyện kim cơ bản, v.v. Trong số này, Brazil là quốc gia nổi bật với 44,2 tỷ USD giá trị xuất khẩu những mặt hàng này trong năm 2016.
Cuối cùng, khu vực dịch vụ, với một số ngành và lĩnh vực mà các nước đang phát triển vẫn có cơ hội để phát triển. Bao gồm những ngành nghề liên quan đến hoạt động kinh doanh như trung tâm viễn thông và trung tâm dữ liệu, ngành nghề liên quan đến sản xuất hàng hóa như thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội và hỗ trợ tăng trưởng, các nước cần xử lý hàng loạt vấn đề liên quan đến những thay đổi trong mô hình sản xuất, nhất là về chi phí sản xuất, tập trung mối quan tâm vào việc bố trí doanh nghiệp và lao động để tận dụng những lợi thế do cơ hội mới mang lại.
Các chuyên gia cho rằng, các nước thu nhập thấp và trung bình cần chủ động trước những thay đổi, đề ra chương trình hành động chính sách tập trung vào ba khía cạnh cơ bản: cạnh tranh, năng lực, và kết nối.
Về cạnh tranh, chuyển sự tập trung vào mức lương thấp sang xem xét môi trường kinh doanh, nhất là trong việc bố trí các doanh nghiệp và lao động nhằm phát huy lợi thế do cơ hội mang lại. Việc này đòi hỏi phải thúc đẩy cải cách nhằm giảm chi phí lao động, cân nhắc áp dụng mô hình kinh doanh mới, tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ, thay đổi phương pháp sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Về năng lực, các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình cần có giải pháp nâng cao kỹ năng lao động và trình độ quản lý, xây dựng những doanh nghiệp mạnh và có khả năng hấp thụ công nghệ hiện đại; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng và tạo dựng khung khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho việc triển khai, ứng dụng công nghệ mới vào quy trình sản xuất.
Cuối cùng, mô hình kết nối mới giữa các doanh nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường về hàng hóa, tỷ trọng của dịch vụ trong quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang đòi hỏi phải tăng cường khả năng kết nối kinh tế. Việc kết nối này không chỉ dừng lại ở việc thay đổi chương trình kinh doanh, mà còn làm tăng tính đồng bộ giữa công nghiệp chế tạo và một số ngành dịch vụ. Vì thế, cần xây dựng phương án cải cách với quy mô và chương trình thích hợp; tiếp tục tiến hành những giải pháp cải cách truyền thống cần thiết, đồng thời đẩy mạnh cải cách mới trước yêu cầu của công nghệ mới và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế. Cần cải thiện dịch vụ hậu cần, dỡ bỏ những rào cản thương mại đối với hàng hóa sản xuất và các ngành dịch vụ, nâng cao tính đồng bộ về phát triển dịch vụ liên quan đến sản xuất hàng hóa.